Thế giới cây thuốc.vn xin đăng tải lại bài viết của ThS. Chúc Kim Vinh- Phó TBT Tạp Chí Sức Khoẻ Việt

Bài viết gốc: https://suckhoeviet.org.vn/bao-ton-va-phat-trien-chuoi-gia-tri-cay-thuoc-nam/

Đăng tải ngày: 26/09/2022

Theo WHO, trên 80% dân số thế giới sử dụng Y học Cổ truyền, đặc biệt là sử dụng các sản phẩm từ dược liệu, kể cả các nước phát triển. Ở Việt Nam, thuốc được sản xuất từ cây dược liệu trong nước chiếm ít nhất 30%. Tuy nhiên, các loại dược liệu rất quý hiếm hiện tại đang bị khai thác cạn kiệt. Do đó, công tác bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu tại Việt Nam đòi hỏi cần được chú trọng, phát triển trong thời gian tới.

Cây dược liệu nhiều, chưa chú trọng đến bảo tồn và phát triển

Ở Việt Nam, thời gian qua việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu đã được quan tâm thực hiện góp phần đem lại hiệu quả tích cực trong chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Với hơn 12.000 loài thực vật tại Việt Nam thì có gần 6.000 loài cho công dụng làm thuốc, nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý hiếm trên thế giới. Đó là nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành chế biến thuốc chữa bệnh của Việt Nam. Tuy nhiên, việc khai thác tận diệt, kéo dài cùng với các tác động khác làm cho nguồn dược liệu vốn trước đây phong phú, đến nay bị suy giảm, nhất là đối với các cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, sử dụng phổ biến như: Ba kích, tam thất, đẳng sâm, mật nhân, đinh lăng, đương quy, sâm đá ngày một khan hiếm. Nghiêm trọng hơn là một số cây thuốc vốn được coi là quý hiếm, do bị tìm kiếm không ngừng đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt như: Lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa…

Trong khi đó, cây dược liệu nuôi trồng chưa được chú trọng mà phát triển tự phát, manh mún, thiếu sự liên kết, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chưa được quan tâm. Các địa phương chưa chú trọng đến bảo tồn, phát triển, vấn đề về chất lượng dược liệu và xây dựng, quảng bá thương hiệu còn hạn chế. Vì thế mà Việt Nam chưa thể khai thác hết tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển cây dược liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương mà lại đối mặt với sự cạn kiệt các nguồn giống thuốc quý hiếm.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế rất quan tâm đến lĩnh vực y dược cổ truyền, ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết: Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư về phát triển nền đông y và Hội đông y trong tình hình mới; Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; Quyết định 2166/QĐ-TTg ngày 31/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Đặc biệt là Quyết định số 1893/QD-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển Y dược cổ truyền, kết hợp Y dược cổ truyền với Y dược hiện đại đến năm 2030 và nhiều văn bản khác.

Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều loại cây thuốc, tuy nhiên, số cây thuốc trở thành hàng hóa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Muốn để cây thuốc trở thành hàng hóa thì phải có đầu tư nghiên cứu, trồng trọt ở quy mô lớn, có quy hoạch vùng trồng. Quá trình trồng phải tuân thủ đúng quy trình để bảo đảm chất lượng. Ngay như  những cây thuốc quý hiện nay, nếu không biết giữ, khai thác vô tội vạ sẽ dẫn đến cạn kiệt. Ví dụ, cây vàng đắng được chiết xuất để sản xuất thuốc berberin có tác dụng kháng khuẩn, chữa đau bụng, lỵ rất tốt, nhưng lâu nay, chúng ta khai thác mà không quan tâm đến bảo tồn, nên dẫn đến cạn kiệt. Bây giờ không còn nữa bởi vàng đắng là cây lâu năm phải trồng hàng chục năm mới khai thác được. Hiện nay, doanh nghiệp muốn sử dụng vàng đắng bào chế thuốc phải sang Lào, Campuchia để mua. Đây là điều đáng buồn của chúng ta trong việc ứng xử với cây thuốc hoặc như cây hoàng liên cũng rơi vào tình trạng tương tự!

Đặc biệt một số doanh nghiệp hiện chỉ lo khai thác nguồn dược liệu để kiếm lợi nhuận mà quên việc bảo tồn, phát triển bền vững nguồn cây thuốc quý, tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc. Trong thời gian qua đang có hiện tượng thương lái nước ngoài thu mua rất nhiều cây thuốc quý của Việt Nam như: Cây bảy lá một hoa, cây huyết đằng… Người dân, doanh nghiệp khai thác “kho báu” một cách cạn kiệt mà không giữ, bảo tồn, phát triển cây thuốc một cách phù hợp.

Theo đó, thứ nhất là phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu. Đi liền với đó, gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu.

Thứ hai là, Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư về nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gen, khai thác dược liệu tự nhiên, trồng trọt, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu.

Thứ ba là, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu, đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, góp phần tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp dược trong tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Thứ tư, cần có giải pháp cụ thể về việc bảo tồn và phát triển cây thuốc quý tại mỗi địa phương. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển nguồn dược liệu phù hợp với thế mạnh của từng địa phương; đồng thời, đáp ứng phục vụ nhu cầu về thuốc trong phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân.

Thứ năm, cần xây dựng các vườn cây thuốc Nam tại tuyến xã; hướng người dân phát triển trồng, sử dụng cây thuốc bản địa…

Ngoài ra, phải chú trọng tất cả các khâu trong nghiên cứu: Từ chứng minh tác dụng trên thực nghiệm, trên lâm sàng, đến đánh giá an toàn, hiệu quả của sản phẩm nghiên cứu để ứng dụng thực tiễn trên lâm sàng; tăng cường tính chủ động của các đơn vị trong hệ thống Y dược Cổ truyền trong hoạt động nghiên cứu khoa học, củng cố nâng cao trình độ và năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học để chuyên môn hóa trong hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực Y dược Cổ truyền.

Muốn xuất khẩu hay có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc thì phải có quy hoạch vùng sản xuất cây dược liệu, có xuất xứ rõ ràng, chất lượng. Cần phải xây dựng được mối liên kết “năm nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng). Trong đó, doanh nghiệp được coi là thành tố quan trọng, ảnh hưởng nhất, quyết định đến sự thành bại của việc phát triển cây dược liệu. Nếu không có doanh nghiệp thì nông dân trồng cây thuốc không thể tiêu thụ được sẽ dẫn đến ế thừa, gây thiệt hại về kinh tế rất lớn. Nông sản, thực phẩm sản xuất ra nếu thừa còn có thể bảo quản, tích trữ, sử dụng chứ dược liệu thì khác. Nếu không có người bao tiêu, thu mua, chế biến thì nông dân chỉ có thể đổ bỏ.

Kiến nghị và giải pháp

Nhằm thực hiện có hiệu quả về chủ trương, chính sách của Đảng và sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với phát triển y dược cổ truyền và phát huy lợi thế của y dược cổ truyền Việt Nam, bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên; bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu bản địa, đặc hữu, quý hiếm, có giá trị và có nguy cơ tuyệt chủng, cũng như đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm công cụ đo lường, đặc biệt là trong lĩnh vực dược liệu, chuẩn hóa thuật ngữ của y học cổ truyền làm cơ sở đánh giá khi triển khai nghiên cứu ứng dụng trên lâm sàng, giữ được tính đặc thù trong y học cổ truyền, đáp ứng với hội nhập quốc tế, chúng ta phải thực hiện tốt các nhóm giải pháp sau:

  1. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách phát triển dược liệu

– Cần tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, nguồn vốn… để tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp, người dân tham gia bảo tồn và phát triển dược liệu. Xây dựng và phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung theo nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO) đối với các loài dược liệu trong quy hoạch, gắn liền với chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để bảo vệ quyền lợi của người trồng dược liệu.

– Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về dược liệu, luật bảo hiểm y tế, …

– Xây dựng chính sách ưu tiên trong sản xuất, đăng ký, lưu hành sản phẩm đối với dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, đáp ứng thực tiễn, phù hợp quy định hiện hành, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy thị trường tiêu dùng thuốc đông y, thuốc từ dược liệu của Việt Nam. Ưu tiên sử dụng thuốc Y học cổ truyền, thuốc chế biến và sản xuất từ dược liệu trong nước tại các cơ sở y tế công lập, trong đấu thầu mua thuốc từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí bảo hiểm y tế và các chương trình y tế quốc gia.

– Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng công nghệ để sản xuất nguyên liệu dược liệu làm thuốc.

– Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích cho hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu các sản phẩm dược liệu của Việt Nam.

– Rà soát danh mục các loài cây thuốc, bài thuốc YHCT; ban hành danh mục dược liệu cấm khai thác, hạn chế khai thác vì mục đích thương mại để bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trong nước.

– Phân công đầu mối quản lý và trách nhiệm cụ thể giữa các Bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực dược liệu một cách cụ thể rõ ràng về chức năng nhiệm vụ, phối hợp liên ngành, tránh sự chồng chéo, …

  1. Nhóm giải pháp về đầu tư, tài chính

– Ưu tiên đầu tư công tác nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống cây thuốc phục vụ công tác nuôi trồng và phát triển dược liệu ở quy mô lớn; đầu tư cho công tác bảo tồn, bảo vệ và tái sinh dược liệu. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác nghiên cứu tại các vùng trồng dược liệu trọng điểm. Đầu tư kinh phí sự nghiệp khoa học cho các đơn vị nghiên cứu về dược liệu phù hợp. Tạo điều kiện cho bà con nông dân, người bảo tồn và phát triển cây dược liệu, cũng như doanh nghiệp kinh doanh về lĩnh vực này được tiếp cận vay vốn ngân hàng một cách dễ dàng và ưu đãi về lãi suất…

– Tăng cường cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cho các cơ sở nghiên cứu phát triển giống dược liệu, các trường đại học, các trường dạy nghề theo hướng đồng bộ, hiện đại.

– Nâng cấp các cơ sở chiết xuất dược liệu, sản xuất nguyên liệu dược, nghiên cứu sản xuất các dạng bào chế theo công nghệ tiên tiến, hiện đại góp phần tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh thay thế nguyên liệu nhập khẩu.

– Đầu tư xây dựng mới theo hướng đồng bộ, hiện đại một số trung tâm nghiên cứu nguồn gen và giống dược liệu; trung tâm nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới có hàm lượng khoa học cao, tạo ra giá trị gia tăng, tập trung phát triển các sản phẩm quốc gia từ dược liệu; một số cơ sở sản xuất thuốc và các sản phẩm từ dược liệu với công nghệ bào chế hiện đại. Đầu tư xây dựng mới nhiều vườn cây thuốc quốc gia phục vụ cho công tác bảo tồn, phát triển nguồn gen và giống dược liệu.

  1. Nhóm giải pháp về khoa học công nghệ

– Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nghiên cứu chọn tạo giống và kỹ thuật trồng cho năng suất, chất lượng cao, trong sơ chế và chiết xuất dược liệu, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ, có sức cạnh tranh trên thị trường phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và ít gây ô nhiễm.

– Nhập nội nguồn gen và giống dược liệu tiên tiến, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ mới của thế giới để triển khai phát triển dược liệu.

– Sưu tầm, nghiên cứu, kế thừa các bài thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các dân tộc trong cộng đồng.

– Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chủ động chuyển giao các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật và dây chuyền thiết bị mới, tiên tiến để chiết xuất cao dược liệu đạt tiêu chuẩn, tinh chế các sản phẩm từ dược liệu thành nguyên liệu dùng trong công nghiệp dược và các ngành khác.

– Phát triển, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, công nghệ về bào chế thuốc, công nghệ sinh học để phục vụ sản xuất các thuốc mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu nuôi trồng, khai thác đến chế biến, sử dụng dược liệu trong sản xuất thuốc, khám chữa bệnh và các ngành khác (sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghiệp chiết xuất).

– Đầu tư xây dựng hệ thống các Trung tâm nghiên cứu nguồn gen và giống dược liệu để bảo tồn khai thác nguồn gen, phát triển giống, kỹ thuật nuôi trồng.

  1. Nhóm giải pháp về phát triển và đào tạo nguồn nhân lực

– Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác dược liệu, có chính sách thu hút và phát huy nguồn nhân lực có kinh nghiệm, tri thức trong nuôi trồng, khai thác, chế biến và sử dụng dược liệu.

– Đào tạo và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực dược, thực hiện cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ, để khắc phục sự mất cân đối nguồn nhân lực dược giữa các vùng, chú ý bảo đảm đủ nhân lực cho các vùng dược liệu tập trung, các dự án phát triển dược liệu. Tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác điều tra, nghiên cứu và quản lý tài nguyên.

– Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.

– Đua chương trình bảo tồn, phát triển cây thuốc nam vào chương trình giáo dục học đường với mục đích hướng dẫn dần về nhận biết và giáo dục trẻ em về công dụng của các cây thuốc nam để các em có ý thức gìn giữ bảo vệ cây thuốc nam, đây sẽ là giả pháp bảo đảm cho tương lai bền vững của nền y học cổ truyền nước nhà.

  1. Nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế

– Tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh công tác bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu và bảo tồn đa dạng sinh học. Hợp tác nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm, thu hút đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược liệu; nghiên cứu ứng dụng và tiếp nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam, thân thiện môi trường để tạo đột phá trong phát triển dược liệu và tạo ra các sản phẩm có giá trị điều trị cao, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

– Hợp tác đào tạo nhân lực tại các nước có thế mạnh trong công tác nuôi trồng, chế biến, tạo nguồn gen, giống dược liệu nhằm tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học trên thế giới.

– Mở rộng liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư phát triển dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu.

  1. Nhóm giải pháp về phát triển kinh tế – xã hội địa phương

–  Các địa phương cần sớm xây dựng quy hoạch vùng dược liệu, biến nguồn tài nguyên này thành tiềm năng, lợi thế chủ lực, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Giải quyết bài toán đầu ra cho dược liệu bằng cách phát triển mô hình: Gắn kết y học cổ truyền và dược liệu; dùng dược liệu tạo ra ẩm thực và chữa bệnh, gắn với du lịch….tiến tới xuất khẩu cây dược liệu.

– Xây dựng được vùng trồng dược liệu bán tự nhiên trên diện tích rừng, rừng phòng hộ đầu nguồn, hình thành vùng khai thác dược liệu bền vững; xây dựng vùng trồng dược liệu thâm canh theo thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Phát triển cây dược liệu không chỉ giúp đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đi lên mà còn gắn với việc bảo vệ rừng.

– Và cần đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất, chế biến các loại cây dược liệu thành sản phẩm công nghệ cao…đáp ứng với điều kiện thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thời kỳ công nghệ số hiện nay…Để phát huy thế mạnh, cần có cơ chế, chính sách khai thác, phát triển phù hợp; nhất là việc thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào chế biến sâu dược liệu. Đặc biệt, vùng dân tộc thiểu số, ngoài thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp với dược liệu quý, đồng bào còn sở hữu một kho tàng kinh nghiệm quý báu về chế biến và sử dụng cây thuốc. Vì vậy, cần phát huy tiềm năng dược liệu ở vùng vùng dân tộc thiểu số. Đây cũng là cơ hội cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

– Thành lập các hợp tác xã nuôi trồng dược liệu; đăng ký bài thuốc gia truyền, mẫu mã sản phẩm; trồng cây thuốc nam theo tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ hợp tác xã trồng dược liệu tiếp cận với doanh nghiệp, bệnh viện để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đối với các tổ chức xã hội tại cộng đồng, cần hỗ trợ người trồng cây thuốc và các tổ chức của họ tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; hỗ trợ để người trồng cây thuốc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp; cung cấp thông tin liên kết giữa người trồng và doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản lý kinh doanh và hỗ trợ tài chính để xây dựng cơ sở sơ chế cây thuốc và chuẩn hóa các sản phẩm … Qua đó, thúc đẩy sự đóng góp của các tổ chức xã hội trong việc nâng cao năng lực quản trị chuỗi cây thuốc nam, để người trồng dược liệu của Việt Nam phát triển cây thuốc nam đúng hướng, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

– Hiện nay, xu thế chung của toàn cầu là dùng những loại thuốc điều trị bệnh có nguồn gốc thảo dược, thành phần từ tự nhiên để đảm bảo tính an toàn. Chính phủ cũng đã rất quan tâm chỉ đạo sát sao, cụ thể về vấn đề phát triển cây dược liệu. Nhiều địa phương đã bắt đầu chuyển động, quan tâm đến việc phát triển cây dược liệu. Hơn nữa, trước đây Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ có chương trình bảo tồn nguồn gen thì những năm gần đây đã có chương trình đầu tư nghiên cứu, trồng, phát triển cây dược liệu. Vì vậy, đây chính là những hướng đi đúng và rất kịp thời.

Tuy nhiên, để phát triển cây dược liệu bền vững thì vẫn cần phải định hướng, lựa chọn cây gì phát triển trước, cây gì phát triển sau và mức độ phát triển như thế nào cho phù hợp với nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Vì thế, cần phải có dự báo chiến lược để đưa ra kế hoạch cụ thể phát triển cây dược liệu. Việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu không chỉ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển./.

ThS. Chúc Kim Vinh- Phó TBT Tạp Chí Sức Khoẻ Việt

Tài liệu tham khảo:

  1. Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư về phát triển nền đông y và Hội đông y trong tình hình mới;
  2. Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; Quyết định 2166/QĐ-TTg ngày 31/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ;
  3. Quyết định số: 1976/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
  4. Quyết định số 1893/QD-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030.