Hạt Dổi vừa là gia vị vừa là thuốc quý

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Hạt Dổi, Giổi Xanh, Giổi Bắc, Dổi Tây Nguyên, Dổi Hoà Bình.
  • Tên khoa học: Michelia tonkinensis A. Chev.
  • Họ: họ Ngọc Lan (Magnoliaceae).

Trong y học, Hạt dổi có tác dụng làm làm thuốc chữa ho, ngâm rượu để uống và xoa bóp trị phong thấp, nhức mỏi gân xương, trị đau bụng, ăn không tiêu, vỏ cây dổi được dùng làm thuốc trị sốt, cảm cúm, phong thấp, kích thích tiêu hoá, chữa đau bụng, ăn không tiêu.

Mô tả Cây dổi

Dổi là một cây to, cao, có thể trên 20m, thân thẳng, vỏ xám nứt dọc. Lá hình thuẫn, mặt trên màu lục bóng, mặt dưới có lông tơ màu hung, cuống dài. Hoa to, mọc đơn độc ở đầu cành, cuống lớn có lông. Đài và tràng nạc, không phân biệt. Nhị rất nhiều và cứng, ô phấn nứt dài, chỉ nhị ngắn và to. Lá noãn xếp xoắn ốc thành một khối hình trứng, vòi ngắn, tù và nhẵn. Mỗi lá noãn có hai noãn. Quả kép gồm nhiều đại khi chín hóa gỗ, dày, nứt theo đường bụng thành hai mảnh. Hạt dính liền với trụ giữa của đế.

Mùa hoa: Tháng 4 – 5. Mùa quả: Tháng 9 – 10.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây dổi là loại cây đặc hữu của Việt Nam, cây gỗ đa tác dụng và có giá trị kinh tế cao. Tại Việt Nam, loài cây này có phân bố từ Lào Cai đến các tỉnh Bắc Trung bộ và Tây Nguyên. Hiện nay các quần thể dổi trong rừng tự nhiên đang bị suy giảm nghiêm trọng do bị khai thác kiệt và số lượng cây tái sinh tự nhiên còn ít do hạt bị thu hái quá mức.

Ở nhiều vùng của Việt Nam cây dổi ăn hạt đang được coi là một trong những loài cây gỗ bản địa chính để phục vụ công tác trồng rừng và phục hồi rừng tự nhiên.

Thu hoạch và chế biến: Cây dổi ra hoa, quả 2 vụ trong năm. Hoa ra tháng 3 – 4 và tháng 7 – 8, sau đó khoảng 7 tháng thì cho thu hoạch quả.

Hạt sau khi thu hái được phơi nắng để tạo điều kiện nứt vỏ. Khi quả nứt dùng tay để để tách hạt ra khỏi vỏ. Đối với hạt không dùng để làm giống, thì phơi khô hoặc gác bếp để hong khô.

Bộ phận sử dụng của Cây dổi

Hạt, quả, vỏ cây.

Thành phần hóa học

Trong quả dổi có tinh dầu mùi thơm coumarin và hơi có mùi long não.

Thành phần thịt quả và hạt chứa chủ yếu safrol (70,2% và 72,9%) và metyl eugenol (24,2% và 18,5%). Camphor (23,2%) là thành phần chủ yếu của tinh dầu trích ra từ thân cây. Tinh dầu trích ra từ vỏ thân chứa 15,7% Camphor, 14,3% safrol, 15,6% Beta-caryophyllen và 13,7% elemicin. Tinh dầu cất từ lá có 10,9% Beta-caryophyllen và 46,3% elemicin.

Tác dụng của Hạt dổi

Hạt dổi có mùi thơm, vị cay, tính ấm; làm thuốc chữa ho, ngâm rượu để uống và xoa bóp trị phong thấp, nhức mỏi gân xương, trị đau bụng, ăn không tiêu.

Quả dổi dùng thuốc chữa đau bụng, ăn uống không tiêu, xoa bóp khi đau nhức, tê thấp.

Vỏ cây dổi được dùng làm thuốc trị sốt, cảm cúm, phong thấp, kích thích tiêu hoá, chữa đau bụng, ăn không tiêu.

Liều lượng và cách dùng Hạt dổi

Tại Hà Tây, Hòa Bình nhân dân, đặc biệt dân tộc Mường, thường dùng quả dổi giã với muối dùng làm gia vị. Ngoài ra còn dùng thuốc chữa đau bụng, ăn uống không tiêu, xoa bóp khi đau nhức, tê thấp. Ngày uống 1 đến 3 quả hoặc dưới dạng bột, hoặc dưới dạng ngâm rượu (quả dổi 100g, rượu 40 độ 500ml, ngâm 7 – 10 ngày, mỗi ngày uống 3 – 5ml rượu này). Dùng ngoài xoa bóp không kể liều lượng.

Vỏ cây dùng làm thuốc chữa sốt, ăn uống không tiêu. Ngày dùng 6-10g dưới dạng thuốc sắc.

Bài thuốc chữa bệnh từ Hạt dổi

Sưng khớp, đau khớp: Hạt cây dổi dùng để ngâm rượu theo tỷ lệ 1kg hạt khô với 3 lít rượu trắng. Ngâm ngập hạt, phải ngâm ít nhất 3 tháng. Đặc biệt vào những tháng mùa đông, dùng rượu dổi 2 – 3 lần/ngày ở các khớp sẽ giúp giảm tình trạng sưng, đau.

Lưu ý khi sử dụng Hạt dổi

Người dễ bị tiêu chảy, có cơ địa hàn lạnh, không nên sử dụng nhiều.

Bảo quản Hạt dổi

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Hạt dổi cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Thegioicaythuoc.vn chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 

Nguồn: medigoapp.com

Tổng 9 đã xem, 1 xem hôm nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *