Nhân trần – vị thuốc giải nhiệt mùa hè và 5 bài thuốc, 5 công thức trà hỗ trợ chữa bệnh

Nhân trần là một vị thuốc được nhân dân ta ưa dùng để giải nhiệt vào mùa nắng nóng. Ngoài giải nhiệt, nhân trần còn có rất nhiều công dụng trị bệnh quý khác như chữa bệnh vàng da, bệnh về đường mật, bệnh của phụ nữ sau sinh…

1. Đặc điểm của cây nhân trần

Vào mùa hè thời tiết nắng nóng, nhiều người thích uống nước trà nhân trần để giải nhiệt, làm mát cơ thể.

Tên nhân trần dùng để chỉ ít nhất 3 loại cây khác nhau, hình dáng và họ thực vật khác hẳn nhau. Cần chú ý khi sử dụng:

– Cây nhân trần Việt Nam: Tên khoa học được một số nhà thực vật  xác định là Adenosma caeruleum R. Br, thuộc họ Hoa mõm chó Scrophulariaceae.

– Cây nhân trần bồ bồ (vì một số vùng gọi là bồ bồ, một số vùng khác gọi là nhân trần). Tên khoa học là Adenosma capitatum Benth; thuộc họ Hoa mõm chó Scrophulariacase.

– Cây nhân trần Trung Quốc: Tên khoa học là Artemisia capillaris Thunb; thuộc họ Cúc Compositae.

Hai cây đầu được sử dụng phổ biến ở Việt Nam, còn cây nhân trần Trung Quốc không thấy sử dụng ở ta.

Nhân trần – vị thuốc giải nhiệt mùa hè - Ảnh 2.
Nhân trần vị thuốc giúp giải nhiệt cho cơ thể vào mùa nóng.

Cây nhân trần Việt Nam còn có tên nhân trần cái (ở miền Bắc) để phân biệt với cây nhân trần đực (tức bồ bồ). Cây này thường được nhân dân vùng Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh gọi là nhân trần, nhưng nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh gọi nhầm là hoắc hương núi. Đây là một loại cỏ mọc hoang, sống hằng năm, cao 0,3-1m, thân tròn, màu tím trên có lông trắng mịn, ít phân cành.

Cây bồ bồ (tên gọi ở vùng Vĩnh Phúc, Phú Thọ), một số nơi gọi là nhân trần. Là một loại cỏ cao 15-70cm, mang nhiều cành ngay từ gốc, thân nhẵn hay hơi có lông.

Cây nhân trần tím (hay nhân trần cái của miền Nam) còn có tên nhân trần lá bắc – Adenosma bracteosum Bonnati cùng họ Hoa mõm chó.

2. Công dụng và liều dùng nhân trần

Theo sách ‘Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam’ của GS. TS. Đỗ Tất Lợi, mặc dù cây rất khác nhau, nhưng nguồn gốc sử dụng nhân trần dựa vào kinh nghiệm ghi trong sách cổ.

Theo tài liệu cổ nhân trần vị đắng, tính bình, hơi hàn vào kinh bàng quang; có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, dùng chữa thân thể nóng, da vàng, người vàng, tiểu tiện không tốt.

Nhân trần – vị thuốc giải nhiệt mùa hè - Ảnh 3.
Vị thuốc nhân trần hỗ trợ trị bệnh gan.

Trong nhân dân, nhân trần thường dùng cho phụ nữ sau khi sinh nở để giúp ăn ngon, chóng hồi phục cơ thể. Còn dùng làm thuốc chữa sốt, ra mồ hôi, thông tiểu tiện, chữa bệnh vàng da, bệnh gan.

Ngày dùng 4 đến 6g, có khi tới 20g dưới hình thức thuốc sắc, siro, thuốc pha hay thuốc viên.

3. Các bài thuốc từ nhân trần

TS. Nguyễn Đức Quang, bác sĩ y học cổ truyền giới thiệu một số bài thuốc trị bệnh từ nhân trần:

Lợi thấp, tiêu tan màu vàng ở da

– Bài 1: Nhân trần 63g, sắc uống. Trị viêm gan siêu vi.

– Bài 2 – Thang nhân trần: Nhân trần 24g, chi tử 12g, đại hoàng 8g. Sắc uống. Trị vàng da do viêm gan siêu vi, tiểu tiện ít, vàng đậm, đầy bụng, bí đại tiện.

– Bài 3 – Thang nhân trần tứ nghịch: Nhân trần 24g, phụ tử 12g, gừng khô 8g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị chứng bệnh do hàn thấp, da vàng, mạch trầm yếu, chân tay tê lạnh.

– Bài 4 – Bột nhân trần ngũ linh: Nhân trần 16g, quế chi 8g, bạch truật 12g, trạch tả 12g, phục linh 12g, trư linh 12g. Sắc uống. Trị viêm gan siêu vi mạn tính, vàng da, tiểu tiện không lợi.

– Bài 5: Nhân trần 63g, bồ công anh 63g, uất kim 63g, nghệ vàng 16g. Sắc uống. Trị viêm túi mật.

Nhân trần – vị thuốc giải nhiệt mùa hè - Ảnh 4.
Trà nhân trần giải nhiệt ngày hè.

Hạ sốt, làm ra mồ hôi

Các chứng cảm say nắng vào mùa hè thời kỳ đầu, thấp nhiệt bị hãm ở trong, dùng bài- Thang cam lộ tiêu độc.

Thành phần: Nhân trần 16g, hoạt thạch 20g, hoàng cầm 12g, thạch xương bồ 8g, mộc thông 8g, hoắc hương 6g, xuyên bối mẫu 8g, xạ can 6g, liên kiều 6g, bạc hà 6g, bạch đậu khấu 6g. Sắc uống.

Trị thấp ôn thời kỳ đầu, phát sốt, chân tay tê buốt, tức ngực, trướng bụng, không ra mồ hôi, vật vã khó chịu; hoặc ra mồ hôi nhưng không hạ được sốt, nước tiểu đỏ, bí đại tiện, rêu lưỡi trắng hoặc dày nhờn.

4. Trà nhân trần

Theo ThS. Hoàng Khánh Toàn nguyên Chủ nhiệm Khoa Đông Y, BV Trung ương Quân đội 108 có thể pha trà nhân trần theo 5 cách sau:

-Công thức 1: Nhân trần 30g thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút có thể dùng được, pha thêm một chút đường phèn uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt lợi thấp, thoái hoàng; dùng để phòng bệnh do thấp nhiệt gây ra và điều trị viêm gan cấp và mạn tính.

-Công thức 2: Nhân trần 300g, sinh địa hoàng 60g, trà 30g. Ba vị tán vụn, mỗi ngày lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 10 – 15 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt lợi thấp, thông phủ thoái hoàng; dùng để chữa viêm gan vàng da cấp tính.

-Công thức 3: Bạch hoa xà thiệt thảo 500g, nhân trần 150g, sinh cam thảo 50g. Tất cả tán vụn, mỗi ngày lấy 60g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, lợi thấp thoái hoàng; dùng để chữa viêm gan vàng da cấp tính có sốt.

Công thức 4: Mạch nha 500g, nhân trần 500g, quất bì 250g. Tất cả sấy khô tán vụn, mỗi ngày dùng 60g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Sơ can lý khí, tiêu thực thoái hoàng; dùng để trị viêm gan giai đoạn di chứng có rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đầy bụng chậm tiêu…

Công thức 5: Râu ngô 300g, nhân trần 150g, bồ công anh 150g. Tất cả tán vụn, mỗi ngày dùng 50g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt lợi thấp, lợi mật thoái hoàng; dùng để phòng chống viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật…

Theo: suckhoedoisong.vn

Tổng 20 đã xem, 1 xem hôm nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *