Viêm đại tràng là một trong những bệnh lý tiêu hóa đang ngày càng trở nên phổ biến hiện nay. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh và những triệu chứng trên hệ tiêu hóa ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hằng ngày.
Những nguyên nhân gây ra viêm đại tràng
Chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, không điều độ kéo dài hoặc lạm dụng các thức ăn, đồ uống gây kích thích, tổn thương niêm mạc ruột là một trong những nguyên nhân chính gây ra viêm đại tràng. Đặc biệt, một số trường hợp xác định viêm đại tràng xảy ra cấp tính là do ngộ độc thực phẩm hoặc dị ứng với một số loại đồ ăn.
Nhiễm khuẩn đường ruột, nguyên nhân này xuất phát từ việc người bệnh dùng những thực phẩm nhiễm khuẩn, chưa được nấu chín hay từ nguồn nước ô nhiễm. Những tác nhân có thể gặp là:
- Một số loại vi khuẩn: Vi khuẩn lao, E.coli, Vibrio cholerae (vi khuẩn tả), Salmonella (vi khuẩn thương hàn), Shigella (lỵ trực khuẩn);
- Các loại ký sinh trùng: Giun đũa, giun tóc, giun kim, lỵ amip, lamblia;
- Tác nhân cũng có thể là do nhiễm siêu vi thường gặp như Rotavirus và một số loại nấm.
Một số nguyên nhân khác cũng gây tổn thương đại tràng như: Mắc kèm các bệnh lý khác thuộc đường ruột gây viêm đại tràng thứ phát, tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, nhiễm độc…
Ngoài ra, ảnh hưởng của yếu tố tâm lý thần kinh: hay bị xúc động, lo lắng, stress… kéo dài dẫn đến rối loạn sự điều tiết của hệ thống thần kinh thực vật cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng.
Dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng
Rối loạn tiêu hóa: Người bệnh bị táo bón xen kẽ với đi ngoài, hết đợt táo bón thì lại chuyển sang tiêu lỏng và cứ thế lặp lại diễn biến như vậy trong khoảng thời gian dài. Người bệnh có thể đi ngoài khoảng 3 – 4 lần trong một ngày. Phân lúc đầu có thể đặc nhưng không thành khuôn, thường nát và những lần sau trong ngày thì phân lỏng. Sau khi đi đại tiện xong bệnh nhân thường vẫn cảm thấy không thoải mái hoặc có cảm giác mót rặn muốn đi nữa.
Đau bụng là triệu chứng thường gặp với đặc điểm đau từng cơn âm ỉ ở vị trí phần dưới bụng hoặc đau dọc khung đại tràng. Người bệnh sẽ cảm thấy mức độ đau tăng vào lúc sau khi ăn và trước khi đi đại tiện, cảm giác đau thường thuyên giảm sau khi đi ngoài xong. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy bụng trướng hơi: Khu trú tại vị trí dọc theo khung đại tràng hoặc bụng căng tức, khó chịu.
Những cây thuốc giúp chữa viêm đại tràng
Lá mơ lông
Lá mơ lông là một vị thuốc đã được lưu truyền từ xưa trong việc hỗ trợ điều trị viêm đại tràng rất tốt. Đây là loại lá có đặc tính thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm, giảm tiêu sưng, giúp hoạt huyết và kích thích hệ tiêu hóa. Lý do lá mơ lông được sử dụng như bài thuốc nam chữa trị viêm đại tràng là bởi thành phần của lá mơ lông có chứa hoạt chất tương tự như kháng sinh. Hoạt chất này có tác dụng tiêu diệt một số chủng vi khuẩn là tác nhân gây viêm đại tràng.
Lá mơ lông sau khi rửa sạch có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau như giã nát rồi nấu lấy nước bỏ bã rồi uống; hoặc tách lấy lòng đỏ trứng gà rồi rán hoặc hấp cách thủy để ăn. Những cách thực hiện trên đều đơn giản và ít tốn thời gian và có thể làm ngay tại nhà. Đây là bài thuốc hỗ trợ hiệu quả đặc biệt cho trường hợp đi phân lỏng, không hết phân bởi theo y học cổ truyền, lá mơ lông có tính chất thanh thấp nhiệt.
Lá ổi
Lá ổi được biết đến là một trong những vị thuốc rất tốt cho các vấn đề về hệ tiêu hóa, trong đó có cầm tiêu chảy là tác dụng được biết đến phổ biến, ngoài ra cũng có thể làm giảm các cơn đau bụng co thắt. Hoạt chất trong lá ổi có khả năng ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn là nguyên nhân gây tiêu chảy. Khi bị tiêu chảy, người bệnh có thể uống nước lá ổi để giảm bớt đau bụng, làm cho phân đi ra ít nước và phục hồi nhanh hơn.
Có thể chuẩn bị bài thuốc bằng lá ổi như sau: Chuẩn bị khoảng 50 g búp lá ổi hoặc lá ổi non, rửa sạch rồi cho vào nồi nước (khoảng 0,5 – 1 lít nước) rồi đun sôi nhỏ lửa trong khoảng 15 – 20 phút là được. Uống mỗi lần 1 chén nhỏ, uống hết trong ngày.
Lá vối
Trong dân gian, lá vối được sử dụng để uống thay trà xanh và được dùng trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền về chữa trị viêm gan, vàng da, nhiễm trùng. Nước lá vối có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ giảm các cơn đau bụng do đại tràng co thắt. Đã có nghiên cứu và tìm ra được một số hoạt chất có tính chất kháng sinh của lá, nụ cây vối đối với một số vi trùng.
Chữa viêm đại tràng bằng lá vối rất dễ thực hiện, chỉ cần rửa sạch lá vối rồi hãm bằng nước sôi trong khoảng 60 – 90 phút để chia làm nhiều phần uống hết trong ngày uống trong ngày thay cho nước lọc. Lưu ý không nên dùng nước sắc lá vối thay thế hoàn toàn cho nước lọc vì quá lạm dụng cũng có thể gây ra tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.
Quả sung
Theo Đông y, quả sung hỗ trợ tốt cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn một cách hiệu quả, đặc biệt là phòng ngừa chứng tiêu chảy, táo bón xen kẽ thường gặp ở người bệnh viêm đại tràng.
Cách chế biến quả sung như sau: Chuẩn bị 2 – 3 quả sung, rửa sạch rồi đem nướng lên cho hơi cháy. Cho quả sung vào ấm, sắc cùng khoảng 400 ml nước trong vòng 20 phút.
Bạn có thể uống như uống trà, để dễ uống hơn bạn có thể có thể thêm vào một ít mật ong để tạo độ ngọt thức uống này.
Khổ sâm
Hoạt chất trong lá khổ sâm có tác dụng kháng sinh đối với trực khuẩn lỵ và cũng có thể kháng amip lỵ, đơn bào. Trong đông y, đây là cây thuốc có công dụng chữa trị cho những trường hợp đau bụng khó tiêu, lỵ, viêm loét dạ dày tá tràng.
Cách chế biến: Cho khoảng 20 gram lá khổ sâm đã phơi khô đun cùng với nước, uống vào buổi sáng sớm khoảng 300 ml. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể kết hợp với ăn món trứng gà lá mơ lông để mang lại hiệu quả tốt hơn.
Một số lưu ý bạn cần biết khi sử dụng thuốc nam để chữa viêm đại tràng
Các bài thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ quá trình chữa trị bệnh chứ không có tác dụng điều trị triệt để. Vì vậy, không được lạm dụng bằng cách thay thế hoàn toàn cách điều trị bằng bài thuốc nam mà hãy tham khảo ý kiến người có chuyên môn để kết hợp hài hòa giữa phương pháp điều trị đông và tây y.
Trong quá trình dùng các loại thuốc nam, nếu thấy có biểu hiện bị bất thường hoặc kích ứng thì cần ngừng sử dụng ngay lập tức.
Ngoài việc sử dụng các bài thuốc nam chữa viêm đại tràng, việc chú ý duy trì một chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, lành mạnh để việc dùng thuốc nam có thể phát huy hiệu quả tốt hơn.
Diễm Quỳnh-nhathuoclongchau.com
Nguồn tham khảo: Tổng hợp